Lợi thế và mặt trái của việc đi du học
28/11/2022Đi du học luôn là ước mơ của rất nhiều học sinh, sinh viên bởi ra nước ngoài không chỉ giúp các bạn có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhận tấm bằng Cử nhân, Thạc sỹ, hay Tiến sỹ được công nhận trên toàn cầu, mà đây cũng là quá trình rèn luyện bản thân, mở rộng mạng lưới với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, không phải “con đường nào cũng trải đầy hoa hồng”. Bên cạnh những lợi thế không thể phủ nhận, việc đi du học cũng tiềm ẩn những bất ổn nhất định.
Vậy đi du học có những lợi thế và mặt trái nào? Hãy cùng tìm hiểu những phân tích cặn kẽ từ Trường Kinh doanh Sài Gòn SBS trong bài viết dưới đây.
05 Lợi thế của việc đi du học
Cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến
Theo quan sát, phần lớn sinh viên Việt Nam đều đi du học tại các nước phát triển như Anh, Úc, Canada, New Zealand, v.v. nơi không thể bàn cãi hơn về chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, phương châm giáo dục hiện đại, cũng như hệ thống cơ sở vật chất tối tân phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Do đó, việc được tiếp cận với những kiến thức mới trong nền giáo dục ưu việt sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên Việt Nam trong việc chuẩn bị hành trang tiến vào thị trường lao động tương lai.
Mở mang tầm mắt, sự hiểu biết
Có thể nói đây là điều được mọi người nhắc đi nhắc lại mỗi khi đề cập tới việc du học, nhưng quả thực “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, và sẽ không có một trải nghiệm nào giúp các bạn học sinh, sinh viên mở rộng tầm nhìn, thay đổi tư duy hơn là việc đi du học. Tới một quốc gia khác, cùng học tập và sinh sống với bạn bè từ khắp năm châu bốn biển, đa dạng về quốc tịch, tôn giáo và các nền văn hóa, bạn chắc chắn sẽ trở thành một người hiểu biết rộng hơn, “bao dung” hơn, nhìn sự việc đa chiều hơn, và cách chấp nhận vấn đề cởi mở hơn.
Trau dồi kỹ năng ngôn ngữ
Tốc độ trau dồi các kỹ năng về ngoại ngữ tại nước ngoài có thể nhanh hơn gấp 4, 5 lần việc học ngoại ngữ tại Việt Nam bởi sinh viên sẽ có cơ hội được thực hành liên tục, được sống ngay trong môi trường mà ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v.) trở thành như một yếu tố bắt buộc để giao lưu, trao đổi không chỉ trong trường học mà còn trong cả cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, đây chắc chắn được coi là một lợi thế khi đi du học mà ai cũng có thể nhận ra.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Việc đi du học cũng giúp các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều lựa chọn hơn về nghề nghiệp sau này. Các bạn có thể tìm việc tại ngay chính quốc gia mà mình theo học, di chuyển tới một quốc gia khác để tìm những cơ hội và thử thách mới, hoặc quay về Việt Nam, đầu quân cho những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài với mức lương tương đối cạnh tranh.
Xây dựng mối quan hệ trên toàn thế giới
Ngoài mối liên kết với người dân bản địa tại nước sở tại, khi đã trở thành sinh viên quốc tế thì dù muốn hay không, sinh viên cũng sẽ có những kết nối với bạn bè trên khắp thế giới, tại khắp tất cả các châu lục, trong đó sẽ có những mối quan hệ tốt, những người bạn thân sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ bạn bất kể trong tình huống nào, kể cả trong lúc học cũng như trong công việc sau này.
02 Mặt trái của việc đi du học
Vượt qua rào cản tâm lý
Đi du học có nhiều lợi ích là vậy, tuy nhiên, các bậc phụ huynh và sinh viên cũng cần tìm hiểu thêm những yếu tố khác trước khi ra quyết định có nên đi du học hay không. Một trong số những nỗi lo khi đi du học chính là việc sinh viên gặp phải các vấn đề về tâm lý như cô đơn, nhớ nhà, stress do không thích nghi được môi trường sống mới, shock văn hóa, cách học mới, làm quen bạn mới, v.v. Đi du học tức là khoảng cách sẽ được tính bằng thời gian của những chuyến bay, cuộc sống sẽ phải độc lập hơn, tự chủ hơn và bản lĩnh hơn, nên các bạn sẽ cần chuẩn bị một tinh thần thật “vững” trước khi xuất ngoại nhé.
Nỗi băn khoăn về chi phí
Bên cạnh vấn đề tâm lý, thì vấn đề tài chính đôi khi cũng mang tới sự phiền toái, nhất là đối với những gia đình chưa sẵn sàng đủ tiềm lực về kinh tế. Ngoài học phí, thì sinh hoạt phí (ăn, ở, đi lại, mua sắm, dịch vụ y tế, v.v.) sẽ là những khoản “không thể không chi”, do vậy việc lựa chọn du học ở nước nào, thành phố hay ngành học nào cũng cần cân nhắc thật kỹ lưỡng và phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình.
Để giải quyết những nỗi lo trên, các bậc phụ huynh và sinh viên có thể cân nhắc du học theo hình thức chuyển tiếp, trong đó thời gian 2 năm đầu đại học sẽ học tại Việt Nam, sau đó chuyển tiếp 2 năm cuối (hoặc 1 năm tùy chương trình) học tại một trong các quốc gia như Anh, Canada, Úc, New Zealand, Malaysia, v.v. Với hình thức du học kiểu mới này, sinh viên vẫn được cấp bằng Cử nhân quốc tế có giá trị như du học toàn phần mà lại tiết kiệm được chi phí, có cơ hội nhận được cái gói học bổng giá trị từ 30% đến 100%, cũng như có thêm thời gian chuẩn bị các kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng mềm cần thiết cho thời gian du học, v.v. Phụ huynh và các bạn học sinh có thể xem chi tiết về các Chương trình Cử nhân Thương mại, Quản trị Kinh doanh quốc tế tại ĐÂY hoặc để lại thông tin tư vấn dưới đây.